Ảnh của Tôi
16 Phan Ngọc Tòng P.2, TP.Bến Tre, Vietnam
Tin học - Bến tre - Vi tính - Bến Tre - Laptop Bến Tre - Thiết kế - Hướng dẫn - Sửa chữa Lắp ráp cài đặt - Phục hồi ảnh cũ - Hướng dẫn - Dựng đĩa Phim Nhạc - ảnh Kỹ thuật số - Đồ họa - CD&DVD Soft Driver... Các dịch vụ liên quan đến vi tính tin học. Nơi bạn đến là được. Keyword: Tin hoc Ben tre tnx -Vi tinh Ben Tre tnx - Tân Nam Xương - Bến Tre tin hoc tnx - Ben Tre vi tính tnx -bentretnx - vitinhtnx

@ Nhận chụp ảnh, quay phim cưới hỏi, sinh nhật, đám tiệc..., tạo album ảnh & CD & DVD kỹ niệm, album nhạc..., đội ngủ nhà nghề với công nghệ studio kỹ thuật số hiện đại. @

 Hướng dẫn và nhận thiết kế: @Film @Ảnh kỹ thuật số + Ra ảnh dựng phim cho máy chụp hình, máy quay phim Kỹ thuật số,các loại camera... máy điện thoại di động

ồ họa @Corel @Photoshop

@Phone: 016.460.460.22

CỔ HỌC TINH HOA 3


028 – Trí, trung, dũng
Nước Trần bị nước Sở đánh, phá tan mất cửa thành bên Tây. Sau người Sở bắt dân nước Trần ra tu bổ lại cửa thành ấy.Một hôm Đức Khổng Tử đi xe qua đấy không cúi đầu vào miếng gỗ trước xe. Thầy Tử Cống dừng cương lại hỏi :
«Cứ theo lễ đi xe qua chỗ ba người, thì phải xuống, qua chỗ hai người thì phải cúi đầu vào miếng gỗ trước xe để tỏ lòng kính trọng. Nay quân, dân nước Trần sửa sang cửa thành biết bao nhiêu là người, thế mà thầy đi qua, không có lòng kính trọng, là cớ làm sao?»
Đức Khổng Tử nói :
«Nước mất, mà không biết, là bất tri ; biết mà không lo liệu, là bất trung; lo liệu, mà không liều chết là bất dũng. Số người nước Trần tuy đông, mà ba điều ấy không biết được một, thì bảo ta kính làm sao được!»
Hàn Phi Tử
GIẢI NGHĨA
- Trần : một nước nhỏ thời Xuân Thu ở vào địa phận Hà Nam và An Huy, bây giờ.
- Sở : một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.
- Tu bổ : sửa sang chữa lại.
- Bất tri : ngu dại không biết phải trái.
- Bất trung : chểnh mảng không hết lòng với vua với nước.
- Bất dũng : không có can đảm khí phách
Hàn Phi Tử : Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Lời Bàn
- Cứ theo cổ lễ rất phiền (ba người xuống xe) nhưng Đức Khổng Tử vốn là người hay giữ lễ, nên thầy Tử Cống mới hỏi. Đức Khổng Tử đáp thế ý hẳn quan dân nước Trần bấy giờ ai nấy đều ra dáng vui vẻ, hình như không còn ai biết đến nước là gì. Nếu quả vậy thì có người cũng như không, ngài không kính rất là phải, vì rằng : « Ngu dân bách vạn vị chi vô dân » nghĩa là nhân dân ngu dại thì tuy dân số nhiều đến trăm vạn, cũng đáng bảo là không có người dân nào. 


029 – Biết lẽ ngược, xuôi
Việc đời có lắm cái hình như ngược, mà thật thì xuôi, có lắm cái hình như xuôi, mà thật lại là ngược. Ai biết rõ thật ngược, xuôi thế nào, người ấy mới là người tinh đời. Phàm cái gì đã đến cùng cực thì tất nhiên phải quay trở lại : dài quá thì tất phải ngắn dần đi ; ngắn quá thì tất lại dài dần ra. Đó là cái lẽ tự nhiên như thế.
Vua Trang vương nước Kinh muốn đánh nước Trần, sai người sang dò.
Người ấy về nói : « Nước Trần không nên đánh »
Trang vương hỏi : « Tại làm sao ? »
Người ấy thưa rằng : « Nước Trần thành cao, hào sâu, kho tàng súc tích nhiều »
Triều thần có người Ninh Quốc nói : « Như thế, thì nước Trần nên đánh lắm. Nước Trần vốn là nước nhỏ, mà kho tàng súc tích nhiều, thì chắc là thuế má nặng. Thuế má nặng thì tất dân oán vua. Thành cao, hào sâu, thì phục dịch nhiều. Phục dịch nhiều thì tất dân kiệt sức. Nếu ta đem quân sang đánh, tất lấy được Trần.
Vua Trang vương nghe lời, cất quân đánh, quả lấy được Trần.
Lã Thị Xuân Thu
GIẢI NGHĨA
- Dài quá thì… : câu nầy có ý nói đầy, vơi, tròn, khuyết, dài, ngắn, thường hay đắp đổi cho nhau. Thí dụ như ngày hạ chí là ngày dài nhất trong năm, thì những ngày sau ngày hạ chí tất cứ mỗi ngày một ngắn dần lại; ngày đông chí là ngày ngắn nhất thì những ngày sau ngày đông chí lại dài dần mãi ra.
- Kinh : cũng là tên nước Sở.
- Trần : một nước nhỏ thời Xuân Thu ở vào địa phận Hà Nam và An Huy, bây giờ.
- Triều thần : quan tại triều.
- Súc tích : chứa chất để dành.
- Phục dịch : làm các công việc vua quan như làm đường sá, đắp thành lũy,v.v…
Lã Thị Xuân Thu : Sách của Lã Bất Vi làm. Lã Bất Vi người đời nhà Tần thời Chiến quốc, trước là lái buôn to, sau làm tướng, chính là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng. Khi làm quyển Lã Thị Xuân Thu xong, Bất Vi đem treo ở cửa Hàm Dương, nói rằng "Ai bớt được, hay thêm được một chữ, thì thưởng cho ngàn vàng".
Lời Bàn
- Bài nầy có hai đoạn. Đoạn trên nói cái lẽ ngược, xuôi, đoạn dưới dẫn một câu thí dụ. Ở đời có lắm cái tưởng là xuôi mà thực là ngược, có lắm cái cho là ngược mà thực là xuôi. Ngược, xuôi điên đảo rất là khó phân ! Chỉ có người nào không chịu xét bề ngoài, biết cái đầy, vơi, tròn, khuyết, dài, ngắn đắp đổi cho nhau là mới đoán trúng được. Như người sứ đây, đến tận nơi, mắt trông thấy thế nào chỉ biết có thế thôi, chớ Ninh Quốc vẫn ở nhà, lấy cái lý đoán mà biết rõ được cái tình hình ở bên trong thực là người cao đoán vậy.
30 – Tài nghề con lừa
Đất Kiềm xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự, tải một ít lừa đến đấy nuôi.
Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ ở trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, tưởng là loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe quen tiếng thấy lúc nào, lừa cũng kêu thế, lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngọn đá mà thôi. Hổ thấy vậy, mừng, bụng bảo dạ rằng : « Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi ! ». Rồi hổ gầm thét, chồm lên vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.
Liễu Tôn Nguyên
GIẢI NGHĨA
- Kiềm : nước Sở thời Chiến quốc, tức là huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam bây giờ.
- Hiếu sự : hay bày việc, sinh việc.
- Thần vật : loài vật quái lạ.
- Giáng sinh : ngu dại không biết phải trái.
Liễu Tôn Nguyên : tên tự là Tử Hậu, tinh lanh tuyệt đời, văn chương nổi tiếng, đỗ Tiến sĩ làm quan Thứ Sử, là một bậc danh nhân đời nhà Đường.
Lời Bàn
- Bài nầy có ý nói : Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ ; đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa. Nhác trông ngỡ tượng tô vàng, nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa. Nhưng bài nầy lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nỗi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn bây giờ thường hay dùng hai chữ « kiềm lô » (lừa đất Kiềm) để chỉ những người tài nghề kém cỏi, không có gì lạ.


31 – Đánh đàn
Vua nước Tề thích nghe sáo. Có kẻ muốn cầu chúc công danh, đem đàn đến đứng trước cửa nhà vua mà đánh. Đánh luôn ba năm, nhà vua không hỏi tới. Anh giận lắm, gắt và nói rằng :
« Ta đánh đàn đến cả quỉ thần cũng phải say mê, thế mà vua không biết cho ta ! »
Có người nghe nói, cười mỉa, bảo rằng :
« Vua thích nghe sáo mà bác đánh đàn, cho đàn bác hay đến đâu, nhưng vua không thích thì làm thế nào được ? Thế là bác chỉ giỏi ngón đàn, chớ không khéo cầu danh ở nước Tề nầy vậy ! »
GIẢI NGHĨA
- Tề : một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Công danh : công là khó nhọc mà được việc; danh là tiếng tăm; công danh đem sự khó nhọc ra để được danh giá.
- Mỉa : có ý bới móc đến chỗ sai lầm, không hay của người ta.
Lời Bàn
- Đem đàn ra đánh cho người thích sáo nghe, mà cầu cho người ta ưa mình, thì chẳng là khờ vụng lắm ư ! Cho nên mình tuy có tài, muốn thi thố cái tài, thì phải dò trước xem người dùng mình có ưa cái tài ấy không. Bằng không, mà mình cũng cứ phô tài, thì chẳng những việc muốn cầu không được, mà lại để thiên hạ người ta chê cười nữa.
32 - Thổi sáo
Vua Tuyên vương nước Tề thích nghe sáo, và lúc nào cũng muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong bọn ba trăm người ấy, có Đông quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đây để kiếm lương ăn.
Đến khi vua Tuyên vương mất, vua Mẫn vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn trước.
Hàn Phi Tử
GIẢI NGHĨA
- Tề : một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Đông quách tiên sinh : bây giờ các nhà làm văn thường dùng bốn chữ nầy để chế những người vô tài mà lạm dự vào một địa vị nào. Chính nghĩa bôn chữ ấy là nhà thầy (tiên sinh) họ Đông quách hay ở ngoài thành phía đông (Đông quách).
- Lạm dự : ăn may mà được hưởng một phần quyền lợi quá tài đức mình.
Hàn Phi Tử : Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Lời Bàn
- Những kẻ vô tài, gặp may nhờ dịp mà được làm quan có khác gì Đông quách tiên sinh nói trong truyện nầy ? Những khi ồ ạt, gọi là có mặt cho đủ số, thì còn giữ được địa vị, chớ đến khi khảo sát từng người thì tài nào mà không bị thải !


33 - Người nước Lỗ sang nước Việt
Hai vợ chồng người nước Lỗ, chồng khéo đóng giày, vợ khéo đan mũ, muốn đem nhau sang kiếm ăn ở nước Việt.
Có người đến bảo rằng : « Vợ chồng nhà bác đi chuyến nầy thế nào cũng cùng khổ ».
Người nước Lỗ hỏi : « Sao bác lại nói thế ? »
Người kia bảo : « Giày dùng để đi, mà người Việt đi chân không, không thích đi giày ; mũ dùng để đội, mà người Việt để đầu không, không cần đội mũ. Vợ chồng nhà bác làm giày, đan mũ giỏi thật, song đến ở nước người ta, người ta không dùng đến tài nghề của mình, thì làm thế nào mà không khốn cùng ? »
Hai vợ chồng người nước Lỗ nghe nói, không sang ở nước Việt nữa.
Hàn Phi Tử
GIẢI NGHĨA
- Lỗ : một nước chư hầu nhỏ, thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
- Việt : tên các nước thời Xuân Thu ở vào tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và một phần Sơn Đông bây giờ.
- Cùng khổ : khốn khổ, khổ sở.
- Khốn cùng : quẫn bách hết cách xoay xở.
Hàn Phi Tử : Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi lầm lẫn với Hàn Dũ.
Lời Bàn
- Đến chỗ đi đầu không mà bán mũ, đến chỗ đi chân không mà bán giày, thì cũng giống như mùa rét mà bán quạt, mùa nực mà bán chăn bông, tuy trái nơi và trái thời khác nhau, nhưng cũng là trái, không được việc cho mình, mà lại còn để tiếng cười cho thiên hạ nữa. Cho nên người có tài phải tìm nơi đáng ở mà ở chớ đem đàn mà gảy tai trâu có ích gì !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời coi thêm