Ảnh của Tôi
16 Phan Ngọc Tòng P.2, TP.Bến Tre, Vietnam
Tin học - Bến tre - Vi tính - Bến Tre - Laptop Bến Tre - Thiết kế - Hướng dẫn - Sửa chữa Lắp ráp cài đặt - Phục hồi ảnh cũ - Hướng dẫn - Dựng đĩa Phim Nhạc - ảnh Kỹ thuật số - Đồ họa - CD&DVD Soft Driver... Các dịch vụ liên quan đến vi tính tin học. Nơi bạn đến là được. Keyword: Tin hoc Ben tre tnx -Vi tinh Ben Tre tnx - Tân Nam Xương - Bến Tre tin hoc tnx - Ben Tre vi tính tnx -bentretnx - vitinhtnx

@ Nhận chụp ảnh, quay phim cưới hỏi, sinh nhật, đám tiệc..., tạo album ảnh & CD & DVD kỹ niệm, album nhạc..., đội ngủ nhà nghề với công nghệ studio kỹ thuật số hiện đại. @

 Hướng dẫn và nhận thiết kế: @Film @Ảnh kỹ thuật số + Ra ảnh dựng phim cho máy chụp hình, máy quay phim Kỹ thuật số,các loại camera... máy điện thoại di động

ồ họa @Corel @Photoshop

@Phone: 016.460.460.22

CỔ HỌC TINH HOA 5

 

49  HAI PHẢI 
Sông Vĩ(1) nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.
Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích(2).
Đặng Tích bảo:
- Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?
Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo:
- Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ? 
Lã Thị Xuân Thu
LỜI BÀN:
 Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về, còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn phải tội nữa. Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện  tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý, tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.
(1) Tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam (Trung Quốc)
(2) Quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, một nhà luật pháp giỏi


50  YÊU NÊN TỐT, GHÉT NÊN XẤU
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà(1). Phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân(2). Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:
“Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân”.
Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:
“Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.
Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:
“Di Tử Hà trước đám thiện tiện(3) lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong bắt đem ra trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ; cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay ghét mình thế nào rồi hãy nói.
Hàn Phi Tử
LỜI BÀN:
Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi, không rõ hẳn được cái giá trị của nguời được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu. Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhầm như thế, cho nên ta muốn công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.
(1) Người thời Xuân Thu, làm quan Đại phu nước Vệ.
(2) Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ
(3) Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm càn


51  KHÉO CAN ĐƯỢC VUA 
Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.
Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu thấy thế, ngăn lại hỏi vua rằng:
“Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?”(1)
Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói: “Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.”(2)
Án Tử nói rằng: “Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục”.(3)
Vua nói: “Phải”.
Án Tử bèn kể tội rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quí của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ(4) nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm ngó, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”
Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: “Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân”.
Án Tử Xuân Thu
LỜI BÀN:
 Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.

--------------------------------------------------------------------------------
(1) Câu này hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.
(2) Thôi hãy buông ra: Cứ theo sách Án Tử Xuân Thu thì là “Tòng quả nhân thủy” (Khởi tự ta ra), theo Hàn thi ngoại truyện thì lại là túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để cho ăn nghĩa với câu trên.
(3) Đời xưa bao nhiêu tội nhân đã hạ xuống ngục tối là phải xử tử cả.
(4) Chỉ nhân dân trong nước.


52  CẬY NGƯỜI KHÔNG BẰNG CHẮC Ở MÌNH 
 
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.
Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:
- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.
Mạnh Tử
LỜI BÀN:
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được. Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.
Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được. 


53  ĐÁNG SỢ GÌ HƠN CẢ
Tại lầu sách nhà kia có con hồ tinh(1) không hiện hình ra bao giờ, nhưng thường vẫn hay trò chuyện. Chuyện nói rất lý thú, ai nghe cũng phải phục.
Một hôm, tân khách(2) họp đông, họ mời rượu ước với nhau rằng:
“Ai sợ gì thì phải nói, mà nói vô lý thì phải phạt rượu”.
Bấy giờ, cử toạ(3) lần lượt nói, nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu, nào sợ người quan to, sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn quá, sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, sợ người hay nói nửa chừng...
Sau cùng hỏi đến hồ tinh, thì hồ tinh đáp: ta chỉ sợ hồ tinh.
Ai nấy đều cười, bảo rằng: “Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu”.
Hồ tinh cười nói: “Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau, tất là quan lại đồng triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì khuynh loát nhau. Nay lại còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà, con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê, con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào mà chẳng sợ hồ?”
Cử toạ đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng.
Duyệt Vi
LỜI BÀN:
Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh hoặc vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy. Người phải sợ người hơn là sợ hùm beo, sư tử, người đồng loại, kẻ đồng nghiệp sợ lẫn nhau hơn là sợ người ngoài? Tại sao? Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới phải cạnh tranh đá chọi lẫn nhau. Mà đã cạnh tranh nhau, tất hay dòm dỏ nhau, tìm cách hại lẫn nhau để cầu lợi cho mình, thậm chí tàn sát nhau đến chôn sống hàng vạn quân, giết chết hàng triệu người mà vẫn không chán. Thảm thương thay! Người lại hại người!

---------------------------------------------------------------------
(1) Hồ tinh: Tục truyền giống hồ sống nghìn năm thành hồ tinh hay quấy nhiễu người.
(2) Tân khách: chỉ gồm những người đến thăm nom vui chơi với chủ. Nói tách ra là quý khách và khách thường
(3) Cử toạ: tất cả bao nhiêu người cùng ngồi một chỗ


54  CÁCH ĐÂM HỔ
Hai con hổ đang ăn thịt một con trâu. Biện Trang(*) muốn ra đâm hổ. Có đứa trẻ bảo rằng: “Hãy hượm, ông ạ. Hổ là giống tàn bạo, trâu bò là mồi ngon ngọt. Bây giờ hai con hổ đang cùng ăn một con trâu, thấy thịt trâu rất ngon, tất tranh nhau đánh nhau. Đánh nhau thì hổ nhỏ chết mà hổ lớn cũng bị thương. Ông đợi đến bấy giờ hãy ra, thì có phải chỉ đâm một con, mà rồi được cả hai con không? Như thế thì chẳng là công dùng ít mà lợi được nhiều ư?”
Biện Trang cho lời nói là phải, làm theo y như thế, quả nhiên bắt được cả hai con hổ.
LỜI BÀN:
Bài này cốt ý dạy ta làm việc gì biết thừa cơ mà làm, thì ít khi nhọc, mà lại dễ thành công. Như Biện Trang đây, bắt hai con hổ ngay, công phu nhiều mà chưa chắc đã được. Đợi nó đánh nhau, một con chết, một con bị thương, thì ra chỉ mất công bắt một con hổ yếu (vì mới bị thương) mà rồi được cả hai con hổ vậy.
Ý bài này cũng giống câu nói của Mạnh Tử: “Tuy hữu trí tuệ, bất như thừa thế. Tuy hữu ti cơ, bất như đãi thời”. Nghĩa là tuy có khôn ngoan sáng suốt, chẳng bằng thừa được cái thế, lại dễ làm hơn; tuy có điều khí sẵn sàng, chẳng bằng đợi đến thời đáng làm mới làm thì lại được việc.
 ----------------------------
 * Chú thích:
(*) Người nước Lỗ, thời Xuân Thu, làm quan Đại phu ở ấp Biện, là người khoẻ có tiếng, thường hay đâm được hổ.


55  NÊN XỬ THẾ NÀO?
Thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương nước Tề rằng:
Giả sử có người bầy tôi nhà vua, đem y thực của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc; kịp đến lúc về, mới biết bạn để vợ con đói rét thì người ấy nên xử với bạn thế nào?
Vua nói: - Nên tuyệt giao.
Thầy Mạnh Tử hỏi lại: "Giả sử có người làm quan sĩ sư không trông nom nổi được thuộc viên, để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử thế nào với viên quan ấy?
Vua nói: - Nên bãi đi.
Thầy Mạnh Tử nhân đấy, hỏi luôn câu nữa: "Thế thời làm vua một nước mà không sửa sang việc chính trị, việc giáo dục để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí như thế nào?".
Vua nghe nói, ngảnh sang bên tả, bên hữu, nói lãng sang chuyện khác, có ý vừa chữa thẹn, vừa tránh không trả lời.
Mạnh Tử
Lời bàn:
Thầy Mạnh Tử, đấy chỉ vì việc nước mà có ý khuyên vua Tuyên Vương nước Tề. Hai đoạn trên câu hỏi của thầy hữu tâm mà câu trả lời của vua vô tâm. Đoạn thứ nhất nói vì "tình bạn" kể nghĩa cũ cũng đáng tiếc, song đã nhận lời ký thác của anh em mà ra lòng phụ bạc thì thật là người bạn đáng tuyệt giao. Đoạn thứ nhì nói về "phép nước" kể thực buộc vào tội, chưa có gì là nặng, song làm quan mà đến nỗi không trông nom được kẻ dưới để phế khoáng việc công, thì thật là viên quan không nên dụng.
Còn đoạn thứ ba, tuy ông nói qua, mà đã ngụ sẵn cái ý thuế má quá nặng để dân đói rét, hình phạt sai lầm để dân oan khổ, làm vua mà dối với dân, với nước như vậy, thì cái tội to biết chừng nào. Thế mà tiếc thay vua Tề Tuyên Vương gặp được người chính trực cảm ngôn như thế mà lại không chịu rộng hỏi để sửa lỗi của mình, thật là mất một dịp tốt.
Giải nghĩa:
Mạnh Tử: người nước Châu, đời Chiến Quốc, tên là Kha, học thuyết của ông cốt ở điều "Nhân nghĩa" "Tĩnh Thiện"; đời sau tôn ông là Á thánh.
Tề: một nước chư hầu mạnh đời Chiến Quốc ở về tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Giả sử: ví phỏng ví bằng như có.
Y thực: quần áo mặc, lương thực ăn.
Ký thác: uỷ cho ai việc gì nhờ người ta lo liệu thay mình.
Sở: một nước chư hầu to và mạnh thời Chiến Quốc ở vào vùng tình Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô bây giờ.
Tuyệt giao: bỏ dứt không chơi bời đi lại với nhau nữa.
Sĩ sư: chức quan coi việc hình ngục tựa như Hình bộ Thượng thư hay Án Sát.
Thuộc viên: quan lại nhỏ làm việc dưới quyền một quan to.
Phế khoáng: trễ nải, bỏ thiếu không làm cho đầy đủ.
Chính trị: hết thảy những công việc sắp đặt và thi hành để sửa sang quản trị một nước.
Giáo dục: sự dạy bảo cho dân cái lối nên theo, cái việc nên biết để khỏi ngu dại và thành người.
Bình trị: thái bình, dân yên, nước trị.
Trách nhiệm: việc gì phải làm mà làm cho đầy đủ không ai nói được.
Bên tả, bên hữu: những người hầu cận bên vua.


53 CHÍNH DANH
 
 
Vua Cảnh Công nước Tề hỏi đức Khổng Tử về việc chính sự.
Đức Khổng Tử thưa rằng:
- Cội rễ việc chính sự là cốt nhất phải làm cho sáng rõ luân thường đạo lý. Ở chốn triều đình vua hết đạo làm vua, tôi hết đạo làm tôi; ở trong gia đình, cha hết đạo làm cha, con hết đạo làm con. Vua tôi, cha con ai nấy đều hết đạo của mình, thì chính sự mới có thể làm hay được.
Vua Cảnh Công nói:
- Phải lắm! Câu nói ấy thật là thiết yếu. Mà quả như thế, nếu vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, thì cương kỷ rối loạn mà nước phải diệt vong. Thóc gạo tuy có nhiều, liệu có ở yên mà ăn được chăng.
Luận Ngữ
Lời bàn:
Vua Cảnh Công hỏi về chính sự mà đức Khổng Tử đáp là chính danh là ngài nói đúng ngay vào cái bệnh của vua đối với quốc gia, làm mất chủ quyền, đối với gia đình dong túng con cái mà lại giảng được cái học thuyết Chính danh của ngài. Tiếc thay vua Cảnh Công biết là phải mà không liệu cách mau mau thực hành sửa đổi ngay để đến nỗi về sau nước Tề quả có tai vạ, vua thì bị giết, đất thì mất về tay người.
Như nói đến chính sự thời nay, thì chắc còn bao nhiêu sự khó khăn, phiền phức có phải là dễ đâu. Song sự cốt yếu cũng không ra được ngoài câu nói rất giản dị của đức Khổng phu tử. Ta thử ngẫm mà xem suốt xưa nay, khắp đông tây có nước nào vua (hoặc người cầm quyền, lãnh đạo mà gọi tên khác) kém sáng suốt, thần hạ gian nịnh mà nước không nguy vong, có nhà nào cha mẹ bạc ác, bất nhân, con cái ngỗ nghịch bất hiếu mà nhà không suy bại không?
Giải nghĩa:
Chính danh: chỉnh đốn lại những danh phận, danh nghĩa cho đúng với thực.
Chính sự: công việc trị dân trong nước.
Luân thường, đạo lý: luân thường: đạo thường cha con, anh em, vợ chồng, bầu bạn, vua tôi ăn ở với nhau; đạo lý: lối phải, lẽ phải theo thì hay, mà trái thì dở.
Đạo: bổn phận nên làm, phải làm.
Thiết yếu: thiết thực cốt cách cần phải có.
Cương kỷ: cương là dây to để tóm cả cái lưới, kỷ là đồ dùng để gỡ tơ cho khỏi rối, đây là nói điển chương, pháp độ dùng để cai trị.
Diệt vong: hết giống, mất nước.
Thóc gạo: đây là có ý nói nước giàu có.


57 CHẾT ĐÓI ĐẦU NÚI
Khi Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, Bá Di, Thúc Tề nghe thấy, ra nắm dây cương ngựa, cản lại và nói rằng:
- Cha chết chưa chôn, mà đã chăm việc chinh chiến thế có gọi là “hiếu” được không? Bầy tôi giết vua để cướp nước, thế có gọi là “nhân” được không?
Những người thân cận của Vũ Vương tức giận toan giết Bá Di và Thúc Tề. Thái Công Can, nói rằng:
- Không nên, hai ông là “người nghĩa”. Rồi bảo quân lính ôm hai ông mà đẩy ra.
Đến khi Vũ Vương đã lấy được thiên hạ của vua Trụ, thiên hạ ai cũng tôn nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ, đến nỗi coi thóc gạo cũng là tài sản của nhà Chu, buồn bực không ăn nữa.
Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương làm bài ca Thái Vi rằng:
“Ta lên núi Tây Sơn.
Ta hái khóm rau vi.
Kẻ bạo thay kẻ bạo,
Còn biết phải trái gì!
Đời cổ thoáng qua rồi,
Biết đâu mà quy y
Than ôi! Đành chết vậy.
Thật vận mệnh ta suy
Rồi hai ông nhịn ăn, đành chết đói ở trên núi
 Chu Sử
Lời bàn:
Xem bài này, hoặc có nói “Bá Di, Thúc Tề nắm ngựa mà can Vũ Vương là phải. Song can, mà người ta không nghe, sao không thí thân chết theo với nước, lại đi lên núi Thú Dương hái rau vi. Than ôi! Sau ngày Giáp Tí (là ngày vua Trụ mất thiên hạ), Vũ Vương đã đánh được nhà Thương, núi Thú Dương có còn là đất của nhà Thương, rau ở núi Thú Dương có còn là đồ ăn của nhà Thương nữa hay không? Bá Di, Thúc Tề nhầm rồi! Nói như thế kể cũng có lý, nhưng có phần quá vẻ nghiêm khắc. Ta chỉ biết Bá Di, Thúc Tề thân cô mà dám ngăn cả thiên binh vạn mã, thế là trong lòng rất can đảm, biết vua Trụ là người không tốt mà cũng giữ một niềm thuỷ chung, thế là nghĩa bất sự nhị quân đáng tôn trọng quý báu biết chừng nào. Vả chăng hăng hái mà liều chết, việc ấy mới là khó. Bá Di, Thúc Tề lên ẩn trên núi mà còn để lại bài ca Thái Vi còn lưu lại hai tiếng “hiếu, nhân” lúc ra can Vũ Vương, thật là những bậc có thể phù thực được cương thường muôn đời khiến cho người sau ai xem đến truyện, ngu ngoan cũng thành có trí thức, liệt nhược cũng hoá ra cương cường có chí tự lập vậy.


58 - NGU CÔNG DỌN NÚI
Phía nam Châu Ký, có hai quả núi Thái Hàng và Vương Ốc to bảy trăm dặm, cao muôn thước, cây cối rậm, ác thú nhiều, đi lại khó.
Ở chân núi có một cái nhà của ông lão tên là Ngu Công tuổi đã chín mươi.
Ngu Công thấy vì núi mà nhà ở chướng ngại, đường đi bất tiện, lấy làm bực tức. Một hôm cụ họp cả vợ con, người nhà lại bàn rằng:
- Ta muốn cùng lũ ngươi hết sức bạt phẳng hai quả núi này thì có nên không?
Ai nấy đều thuận. Chỉ có người vợ ngần ngại, hỏi vặn rằng:
- Sức ông không bạt nổi một cái gò, thì làm thế nào bạt được những hai quả núi? Mà dù cho có sức bạt được nữa, thì đất, đá định đem đổ đi đâu?
Ngu Công nói:
- Khuân đổ ra biển Đông.
Đoạn Ngu Công đem con cháu cùng cả họ ra phá núi, kẻ đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang, hết ngày này sang tháng khác. Láng giềng có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà góa, cũng xin đi làm giúp, hàng năm mới về một lần.
Gần miền có một ông lão khác, tên là Trí Tẩu thấy vậy, cười Ngu Công và can rằng:
- Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao lớn, phá thế nào nổi!
Ngu Công thở dài nói:
- Ngươi không bền lòng. Bền lòng thì việc gì cũng phải được. Ngươi không bằng người đàn bà góa, đứa trẻ con thơ. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta đã có chắt ta, con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi.
Trí Tẩu nghe nói, nín lặng, không trả lời.
Sau này vùng nam Châu Ký không có núi non chướng ngại, đi lại thuận tiện là nhờ có Ngu Công.
Liệt Tử
Lời bàn:
Ta không tưởng tượng rõ núi Thái Hàng và núi Vương Ốc to lớn thế nào. Ta chỉ biết ở cái đời Ngu Công bấy giờ chưa có máy móc tinh xảo như bây giờ, mà đã bạt được núi, thì giỏi thật. Lại không kể phải thuê từng hàng nghìn vạn người để làm, chỉ người trong một nhà, một họ và ít người lân cận giúp tay vào mà cũng làm nổi. Ôi! Nếu quả như vậy, thì cái gương kiên nhẫn của Ngu Công thực đáng để truyền lại mãi cho muôn nghìn đời về sau này. Vả chăng chỉ một câu Ngu Công nói với Trí Tẩu, cũng nên ghi nhớ lắm. Sự kiên tâm không phải chỉ hạn chế trong một đời, nhưng cứ tiếp luôn đời ấy, đời khác, theo đuổi mãi thì ở đời còn có gì gọi là khó được nữa. Ngu Công đây thật là người đại trí được ngu (người cực khôn, bề ngoài coi như ngu). Ngôn hành ông y như những câu sau đây cũng đều có ý khuyên chúng ta lập chí và kiên tâm để làm việc:
1. Trên đời chả có việc gì khó, chỉ tại tâm người ta không kiên nhẫn mà thôi.
2. Bí quyết thành công cốt ở nhất định không thay đổi mục đích.
3. Đã có cái kiến thức can đảm phi thường, nhất quyết làm được sự nghiệp phi thường.
4. Đem sự hiểu biết tinh tường, dùng hết tâm trí bền bỉ, vận cả toàn lực tinh tiến vô cùng, thì có việc gì mà không làm được. Người ta sống một cách nay lần mai lữa, suốt đời không được việc gì, chỉ tại không có chí.
5. Ý chí kiên nhẫn có thể chinh phục được hết thảy các thứ tự nhiên trong vòng trời.


59 CAN GÌ MÀ PHÁ ĐI
 
 
Dân nước Trịnh thường hay đến trường học thôn quê để nghị luận những chính sách hay dở của quan liêu.
Nhiên Minh(1) bảo Tử Sản rằng:
- Tôi định phá hết cả các trường thôn quê, ông tính sao?
Tử Sản nói: “Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến  trường học để nghị luận điều phải điều trái của quan liêu làm. Cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.
Vả chăng, tôi nghe nói hết lòng làm điều phải, thì mới đỡ được người ta oán trách mình. Tôi chưa từng nghe nói: chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người. Cũng như phải đắp đê mà giữ nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết, không thể cứu lại được. Nay ta hẳn cứ để trường học, khiến thường được nghe những câu chê bai để làm thuốc chữa cho ta thì hơn”.
Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng: “Nay tôi mới biết ông là ông quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như vậy, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy”.
Tả Truyện
Lời bàn:
Người ta càng cao xa, càng tôn quý bao nhiêu, thì càng xa sự thực bấy nhiêu. Sự thực hay tin hay thực, song lại hay làm cho mất lòng, nên những người có địa vị cao, ít khi được nghe sự thực. Thiên hạ không ai muốn mất lòng mình, thì ai dám nói sự thực cho mình biết.
Nhiên Minh đây bảo phá nhà trường là vì nghe sự thực mà mất lòng. Tử Sản đây mà bảo giữ nhà trường là vì yêu sự thực, được nghe sự thực ấy làm vui sướng. Các nhà trường nước Trịnh bấy giờ có phải như các tờ báo ngày nay, là những cơ quan để cho dân chúng được tự do mà đàm luận về những chính sách hay dở hay không? Nếu như vậy, thì ra xưa nayy dân sự vẫn có cách làm cho những điều nguyện vọng của mình đạt được tới chính phủ, mà chính phủ khôn khéo, tưởng cũng nên lợi dụng cái cách ấy, không nên tuyệt đi vậy. Những câu Tử Sản nói ví như giữ để cho nước chảy để phòng sự lụt ngập tràn trụa rất nguy, hết lòng làm phải chớ không phải ra oai nạt nộ mới tuyệt được sự oán trách của dân, thực là những câu nói rất đúng với chân lý. Ôi! Một chính phủ mà vững bền hay hư hỏng có thể nghiệm ở lòng dân yêu hay ghét. Nếu dân chúng đã ghét những chính sách không ra gì, chúng dám nói ra miệng, mà lại chỉ thị oai như muốn bưng miệng chúng, chớ không muốn sửa đổi lỗi mình, thì có khác gì thấy nồi nước sôi trào ra ngoài không biết rút củi ra, lại cứ cầm que mà khuấy nước cho đỡ sôi không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời coi thêm